Thế Giới Phật Giáo
Tìm kiếm nâng cao
  • Kinh Sách Nói & Video
  • Song ngữ Việt-Anh (Đối chiếu)
  • Thỉnh Kinh Sách MIỄN PHÍ
  • Máy TỰ ĐỘNG Đọc, Đánh Máy, báo lỗi tiếng Việt
  • Danh bạ Chùa & Tự Viện
  • Mục đích và Chủ trương
  • BuddhistHub.org (Anh ngữ)
  • Thế Giới Từ Thiện

Dị Bộ Tông Luân Luận (Thích Giác Hoàng)

(Bản dịch tiếng Anh: “Treatise on the Wheel of Propositions of Different Schools”).
 
Một luận thư không thể thiếu trong việc nghiên cứu Phật học
Thích Giác Hoàng (Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh).

Dị Bộ Tông Luân Luận (異 部 宗 輪 論, viết tắt là DBTLL) là một trong những luận thư trong Hán tạng liệt kê đầy đủ nhất các quan điểm của 20 bộ phái Phật giáo xuất hiện khoảng sau hơn 100 đến 300 năm sau Phật Niết-bàn. Muốn biết rõ về quan điểm của các bộ phái Phật giáo trong giai đoạn chuyển tiếp từ Nguyên Thủy qua Đại Thừa, chúng ta không thể không nghiên cứu các nguyên nhân phân phái và những tư tưởng căn bản của các bộ phái. Do đó, Học viện PGVN tại TP. HCM đã chọn luận thư này để giảng dạy cho sinh viên cử nhân khoa Triết học Phật giáo năm 4.

Luận này do ngài Huyền Trang (602-664) đời nhà Đường dịch, số 2031 trong Sử Truyện Bộ, tập 49 trong 85 tập như ấn bản Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (ĐC), gồm 3844 chữ. Có 2 bản dịch được xem là tương đương: (1) Thập Bát Bộ Luận 十八 部 論 (2032) và (2) Bộ Chấp Dị Luận 部 執 異 論 (2033). Dựa theo Đại Chánh hiện nay thì cả hai đều do ngài Chân Đế (真 諦, Paramartha: 499 - 569) đời nhà Trần dịch.

Hòa thượng Trí Quang trong dịch phẩm Dị Tông Luận [1] và Tao-Wei Liang trong công trình nghiên cứu A Study on the I-Pu-Tsung-Lun-Lun ấn hành trên tạp chí Phật giáo Hoa Cương (Hua-Kang Buddhist Journal) năm 1972[2] cho rằng Thập Bát Bộ Luận (2032) khuyết danh, ức đoán bản dịch này ra đời vào thời Diêu Tần. TT. Hạnh Bình trong Chú Giải Dị Bộ Tông Luân Luận[3] cho rằng theo giới nghiên cứu bản dịch này của ngài La Thập. DBTLL và Bộ Chấp Dị Luận có nội dung giống nhau đến 95%, phần lớn chỉ khác về cách dùng từ và ngữ pháp, còn Thập Bát Bộ Luận khác biệt rất nhiều so với hai bản kia.

Về tác giả, Thế Hữu (Vasumitra) luận sư là ai, xuất thân từ tông phái nào vẫn chưa tìm được sự đồng nhất giữa các nhà nghiên cứu. Theo Tao-Wei Liang trong A Study on the I-Pu-Tsung-Lun-Lun, trong các tác giả luận thư Phật giáo có tất cả 5 Vasumitra, nhưng Vasumitra được các nhà nghiên cứu Trung Hoa cho là sống vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Phật Niết-bàn, là một trong những luận sư biên tập Đại Tỳ Bà Sa Luận (Mahāvibhāsa Śastra) dưới thời vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka). HT. Trí Quang trong Dị Tông Luận lại không đồng ý với quan điểm trên. Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang (Tập II), tr. 1061, Ngài Vasumitra viết Dị Bộ sống vào khoảng thế kỷ thứ I, II TL. Niên đại của hoàng đế Kaniska vẫn còn là vấn đề đang được thảo luận giữa các học giả, được cho là khoảng cuối thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ hai. Người viết cho rằng Thế Hữu là người chủ trì cho kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 4. Lúc bấy giờ ngài Mã Minh (Asvaghosa) được mời từ Sāketa đến để soạn thảo luận thư là Phó chủ tọa cùng với sự tham dự của 500 tu sĩ của các tông phái sống vào khoảng hạ bán thế kỷ thứ nhất như Giáo sư Anukul Chandra Baneryee trong cuốn 2500 năm Phật giáo.[4]  

Nội dung bản luận vô cùng phong phú, liệt kê các quan điểm căn bản của các bộ phái để từ đó chúng ta có thể hình dung được diện mạo của Phật giáo lúc đó như thế nào, quá trình hình thành nên hệ tư tưởng hoàn chỉnh của từng bộ phái, và đó cũng là đường băng cho hệ tư tưởng Phật giáo Đại thừa cất cánh. Nội dung xoay quanh bốn nhóm chính:  

(1) Quan điểm về thân tướng, thọ mạng và oai đức của Đức Phật.

(2) Quan điểm về nghiệp lực và nguyện lực của một vị Bồ-tát.

(3) Quan điểm về quá trình tu chứng và quả vị của các vị Thanh Văn.

(4) Các vấn đề khác như thân trung ấm, nghiệp lực, căn-trần-thức, chủng tử, tâm và tâm sở, tuỳ miên, kiết sử, triền phược, bổ-đặc-già-la, phước đức, pháp tháp, thiền chứng, Bát Chánh đạo, vô vi, v.v…

Việc nghiên cứu luận thư này đòi hỏi chúng ta phải làm việc hết sức cẩn trọng vì rất có thể chúng ta sẽ hiểu lầm quan điểm, tư tưởng của một bộ phái nào đó và có thái độ nhận thức, đánh giá thiên lệch, không đúng với bản chất của bộ phái Phật giáo đó lúc bấy giờ. Hiện nay chúng ta có bốn công trình tiếng Việt để nghiên cứu:

(1) Dị Tông Luận (DTL) - Bản dịch của HT. Trí Quang dựa trên nguyên tác của ngài Huyền Trang, lời tự thuật của ngài Huyền Trang và những chú thích riêng của Hòa thượng với một số câu được dịch từ ngài Khuy Cơ để so sánh, làm nổi bật được vấn đề.

(2) Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa (CBPPGTT) của André Bareau do Pháp Hiền dịch (Hà Nội, NXB Tôn Giáo, 2002) là một công trình nghiên cứu được dịch từ bản tiếng Pháp dựa trên DBTLL của ngài Huyền Trang, Bộ Chấp Dị Luận của Chân Đế, sớ giải của Khuy Cơ, mà còn dựa vào Những Điểm Dị Biệt của Moggaliputta Tissa. Riêng về phần sử học của các bộ phái, có thể nói CBPPGTT là công trình nghiên cứu rất đầy đủ và chi tiết nói về 20 bộ phái so với các nguồn tài liệu khác.

(3) Chú giải Dị bộ Tông Luân Luận (CGDBTLL) của TT. Hạnh Bình dựa trên bản dịch của ngài Huyền Trang. Thượng tọa giải thích một số danh từ riêng, thuật ngữ, đối chiếu với Thập Bát Bộ Luận và Bộ Chấp Dị Luận cũng như thể hiện quan điểm của mình với quan điểm của Nam truyền Phật giáo trên cơ sở dữ liệu bằng tiếng Hoa; đính kèm trong tác phẩm này là bản dịch của Thập Bát Bộ Luận, Bộ Chấp Dị Luận. Dị Bộ Tông Tinh Thích của Thanh Biện (Bavya) và Dị Bộ Thuyết Tập của Điều Phục Thiên (Vinitadeva) bằng tiếng Tây Tạng được dịch sang Nhật ngữ, và cư sĩ Nguyên Hồng dịch từ Nhật ngữ sang Việt ngữ, được in chung trong bộ chú giải này.

(4) Bản dịch Dị Bộ Tông Luân Luận của Tăng sinh Nguyên Tuấn (sinh viên khoa Triết học Phật giáo khóa VI) đã dịch trong quá trình học môn này tại lớp và đăng tải trên trang www.hoalinhthoai.com năm 2008.

Với bốn bản dịch hiện có, nếu chúng ta đem đối chiếu thì có nhiều điểm khác biệt giữa các danh từ được phiên âm, và nội dung được dịch. Sự khác biệt này có thể làm cho một số người học, nghiên cứu hạn chế Hán ngữ có thể bị bối rối, không biết cách phiên âm và cách dịch nào đúng, chính xác.

Xem thêm & nguồn:

https://thuvienhoasen.org/a26686/di-bo-tong-luan-luan

https://www.chuabuuchau.com.vn/phat-giao-va-triet-hoc/di-bo-tong-luan-luan_31879.html

  • Bạn đang ở:  
  • Trang chủ
  • LUẬN
  • Dị Bộ Tông Luân Luận (Thích Giác Hoàng)

Trở lên trên

© 2023 Thế Giới Phật Giáo