Lịch Sử Phật Giáo Tây Tạng (Pháp sư Thánh Nghiêm; Thích Tâm Trí dịch)
Ngày xưa khi còn là chú điệu, thỉnh thoảng đâu đó tôi có nghe người lớn nói về Tây Tạng, coi Tây Tạng như một nơi đầy những chuyện thần kỳ, huyền bí. Nào là ở Tây Tạng có “Phật sống”, có những “cậu bé” vừa tròn ba, bốn tuổi đã tự biết và nói trúng những gì thuộc về kiếp trước của mình. Có những vị Lạt-ma tọa thiền trên tuyết hồi lâu tuyết tự tan, hoặc nói là dân Tây Tạng sống chung với các vị Thánh có phép thần thông, dân Tây Tạng ai ai cũng tu niệm và đọc tụng thần chú đạt đến hiển linh v.v.. chuyện nào cũng gợi lên trong đầu óc non trẻ của tôi những tưởng tượng về Tây Tạng như một xứ thần tiên nào đó ở trong chuyện cổ tích.
Lớn lên đọc sách báo, nghe radio từ các đài nước ngoài, và nhất là đọc những sách do người Âu-Mỹ viết về Tây Tạng khiến tôi có cảm giác thương cảm, và thấy xót xa cho vận số của đất nước, và dân tộc Tây Tạng.
Tôi luôn thầm tỏ lòng kính trọng đức Đạt Lai Lạt Ma-một vị “Phật sống” của thời đương đại, một Người sống không hận thù giữa những người thù hận, một Người thắp sáng tinh thần Vô-ngã vị tha của đạo Phật trong một thế giới văn minh với nền khoa học kỷ thuật và công nghệ chỉ có tiến chứ không ngừng. Năm 2003, tôi được Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ở Đài Loan gởi tặng một bộ Càn-Long Đại Tạng Kinh cùng nhiều kinh sách Phật giáo khác, trong đó có bộ Pháp Cổ Toàn Tập với sáu mươi chín (69) tập, viết về nhiều đề tài như triết học, thiền học, sử học v.v.Đồng thời kèm theo một thư ngõ đại ý nói, nếu độc giả nào có khả năng dịch bất kỳ tập sách nào trong Pháp Cổ Toàn Tập ra ngôn ngữ mẹ đẻ thì cứ yên tâm dịch mà không phải xin phép tác giả.
Vốn có thiện cảm với đất nước và dân tộc Tạng, nên sau khi đọc xong cuốn Tây Tạng Phật Giáo Sử của pháp sư Thánh Nghiêm, tôi liền có ý dịch tập sách nầy ra Việt văn, và xem đây như chút lòng thành nhằm chia sẻ phần nào những đau thương và cay nghiệt mà dân tộc Tây Tạng đã và đang phải cam chịu.
Bộ sử nầy được viết theo lối tân văn Bạch thoại, trong khi bản thân chúng tôi xưa giờ vẫn học theo lối cổ văn. Do đó, bản dịch không sao tránh khỏi những sai phạm, kính mong các bậc thức giả vui lòng chỉ giáo cho.
Rất vạn hạnh được đón nhận sự chỉ giáo của quí vị.
Nha Trang, tháng trọng xuân 2005
Tâm Trí cẩn bút.
LỜI NGƯỜI BIÊN TẬP
Ba tác phẩm lớn viết về sử Phật giáo của sư phụ Thánh Nghiêm, đó là: Ấn Độ Phật Giáo Sử, Tây Tạng Phật Giáo Sử và Nhật-Hàn Phật Giáo Sử. Nguyên ba tác phẩm trên trước đây được viết chung thành một bộ với tên gọi: Thế Giới Phật Giáo Thông Sử, và do Đông Sơ Xã-tiền thân của Pháp Cổ Văn Hóa xuất bản và phát hành rộng khắp vào năm 1969.
Nhờ vào bối cảnh học thuật tinh nghiêm, vào công phu tu chứng sâu dày, vào lý niệm giáo dục quảng bác, cộng với bồ đề bi nguyện vô cùng thâm thiết của sư phụ mới có được sự thành tựu vừa bao quát về nhiều mặt, vừa mang đặc tính độc đáo của bộ sách. Sách có nội dung sâu sắc về ý tưởng, dễ hiểu về ngôn từ, sử liệu phong phú hoàn chỉnh, khảo chứng tinh xác rõ ràng, văn bút ưu mỹ lưu loát, nhờ đó mà sách được sự hoan hỷ đón nhận của đại chúng cả trong và ngoài Phật giáo một cách phổ biến. Sách cũng nhận được sự trọng thị cùng những lời bình sâu sắc, tốt đẹp của giới học thuật. So với những sách cùng loại thì đây quả là bộ sách “hy hửu nan đắc” (ít có khó được). Trước đây sách được tái bản nhiều lần, năm 1963 sách mới được đưa vào Pháp Cổ Toàn Tập.
“Thông Sử” nguyên là bộ sách có bài tựa nghiêm cẩn, mạch lạc rõ ràng, chia ra chương mục khiến người đọc ưa thích, và coi đây là một trước tác được kết cấu hoàn chỉnh giữa ba bản sách. Vì vậy, một mặt Pháp Cổ Văn Hóa cố gắng đáp lại sự nhiệt liệt hưởng ứng của đa số độc giả, mặt khác nhân vào biến thiên của thời đại, theo đó tạo ra phương tiện ưa thích đọc cho độc giả. Do đó, mới đem bộ sách của Sư phụ theo thứ tự biên chép mới lại cho thật hoàn chỉnh, rồi tùy theo địa khu mà chia thành ba sách. Sự phân chia nầy vẫn tuân theo diện mạo của sách mà giới độc giả đã biết qua.Việc làm nầy cũng là nhằm thỏa mản yêu cầu của người đọc.
Sư phụ Thánh Nghiêm từng nói đối với tôn giáo vừa có nguồn gốc lâu đời, vừa có tính “bác đại tinh thâm” thì nên có sự hiểu biết tường tận, đầy đủ. Muốn vậy, có thể dựa vào sử học để có được sự hiểu biết như vừa nêu quả không còn gì tốt hơn.
Phật giáo phát nguyên từ Ấn Độ hơn hai nghìn năm trước, về sau do nhân duyên biến hóa lưu chuyển mà Phật giáo có sự phân chia bộ phái. Sự khai triển của Phật giáo đại thừa kết hợp với các dân tộc có nền văn hóa khác nhau đưa đến sự xuất hiện nhiều trình độ hiểu biết Phật giáo rất đặc sắc. Điều đó không chỉ là do quá trình phát triển của tôn giáo, mà điều đó còn mang ý nghĩa chân chính về văn hóa và tư tưởng của nhân loại, xét về mặt lịch sử phát triển.
Theo sử liệu viết tay phong phú và khách quan, cộng với kiến giải qua bút pháp đặt biệt độc đáo của sư phụ Thánh Nghiêm, thì đây đúng là một bộ sách hay được kết hợp giữa lịch sử, học thuật và tôn giáo trong nền văn học Phật giáo. Bộ sách lấy hoàn cảnh của xã hội, sự biến thiên của thời đại làm bối cảnh. Lấy hoạt động của giáo đoàn, tư tưởng của giáo lý làm “kinh tuyến”.
Như vậy sách không chỉ dành cho tín đồ Phật giáo có thêm sự hiểu biết về tôn giáo mình, mà còn giúp cho giới nhân sỹ thuộc mọi giai tầng xã hội có thêm sử liệu để nghiên cứu. Có thể nói, bất luận là người đọc ở trong bối cảnh nào khi đọc xong bộ sách nầy cũng đều cảm thấy hoan hỷ, vừa ý.
Tàm quí đệ tử: Trương Nguyên Long.
Viết tại chùa Nông-Thiền,
giữa mùa hạ-năm 1997.
Xem thêm & nguồn:
https://quangduc.com/a4727/lich-su-phat-giao-tay-tang
https://thuvienhoasen.org/p39a6309/4/lich-su-phat-giao-tay-tang